Thầy trò
Học trò học nghề hay là học chữ, ở với người dạy cho mình đều có nghĩa là thầy trò. Học trò phải kính trọng thầy, mà nhất là thầy dạy học chữ lại phải kính trọng hơn nữa.
Học trò khi mới vào học là nhập môn, phải kiếm buồng cau lạy yết kiến thầy hai lạy. Gặp mặt khi mồng năm ngày Tết như Tết nguyên đán, Tết thanh minh, Tết đoan dương, Tết trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền, tuỳ tình đa thiểu mà đem đến lễ thầy.
Khi nhà thầy có việc, hoặc việc hiếu, hoặc việc hỷ, hoặc khi có kỵ, học trò cũng kiếm lễ vật đến lễ, và giúp đáp công việc nhà thầy.
Cả bao nhiêu học trò hội lại gọi là hội đồng môn. Hội đồng môn của thầy lập ra, hoặc của học trò hội lại mà đặt ra. Thầy xem trong môn sinh là người hiểu đạt hơn hoặc có tuổi hơn thì bầu làm trưởng trường để đứng đầu mà coi việc môn sinh. Lại bầu một người làm giám tràng để hiệp trợ với trưởng tràng. Ngoài nữa thì liệu xem ai là người mẫu cán đặt ra năm bảy người hoặc mươi, mười hai người Cán tràng, để giúp cho trưởng giám, mà coi công việc chạy chọt vành ngoài.
Thầy đặt ra trưởng, giám, cán, phải có chữ của thầy, thì đồng môn mới phục tùng. Khi thầy có việc cần đến đồng môn phải giúp thì thầy bảo qua với Trưởng, Giám một tiếng, Trưởng, Giám tuân lời thầy đặt tờ cho cán tràng, cán tràng lại thông báo cho các môn sinh hội lại bổ bán mà giúp đỡ cho thầy.
Khi cha mẹ thầy mất, đồng môn cũng phải hội giúp thầy ít tiền, và phải sửa lễ phúng viếng đưa đón phân minh. Đến khi thầy hoặc vợ thầy mất thì đồng môn phải sử trọng thể hơn, mà phải phục tùng quyền thế huynh là người kế tự của thầy. Phải bổ bán mỗi người dăm ba đồng bạc để giúp cho thế huynh. Lúc đưa ma, tất cả môn sinh phải khăn trắng áo trắng đưa đến huyệt, lạy tạ bốn lạy mới trở về. Về đến nhà, hội họp với nhau giết bò giết lợn tế thầy một tuần.
Môn sinh cũng phải để tang thầy học ba năm song không phải phục tang chế, gọi là tâm trang, nghĩa là để tang trong bụng mà thôi.
Trong môn sinh thể thống rất nghiêm, ai đã vào học đều phải đóng đồng môn cả. Hễ ai bỏ không đóng góp hoặc ai trái lễ phép với nhà thầy, Trưởng, Giám tràng có phép bắt bớ cùm trói, cho nên có câu rằng: Môn sinh tiểu triều đình.
Từ sau mỗi năm ngày giỗ thầy hoặc vợ thầy, đồng môn phải biện lễ đem đến giỗ. Hoặc nhà thầy suy đồi đi rồi, không có người kế tự thì đồng môn họp ở nhà trưởng tràng mà làm lễ giỗ thầy và vợ thầy, giữ giỗ cho đến hết đời thì thôi.
Có nơi môn sinh đóng tiền làm nhà thờ thầy và tậu đất ruộng để làm ruộng kỵ, cứ năm năm lấy hoa lợi mà xung vào việc cúng giỗ cho khỏi phải đóng tiền. Nơi ấy thì học trò thường thường nối dõi giữ giỗ ông thầy và vợ thầy.