Dân gian Á Đông xưa rất quan tâm đến nghi thức an táng cho người vừa mới mất. Người xưa cho rằng người ruột thịt vừa mất có ảnh hưởng tốt, xấu tới những người thân cùng huyết thống đang sống. Do vậy, họ có nhiều nghi thức tế lễ, an táng cho người mới ra đi vào cõi vĩnh hằng. Một trong những nghi lễ quan trọng hàng đầu đó là tính xem tuổi, tháng, ngày, giờ của người mất có hợp với quy luật cuộc đời của “chính họ” hay không. Dựa vào tuổi của người mất và ngày, tháng, giờ mất của họ để tính xem: người đó có được "Nhập Mộ" hay gặp phải "Thiên Di", "Trùng Tang". "Nhập Mộ" : là người mất "ra đi" và được "nằm xuống" vĩnh viễn , không còn vương vấn trần ai. Thể hiện sự an lành, yên nghỉ. Chỉ cần một "Nhập mộ" của tuổi hoặc tháng, ngày giờ là được coi là tốt. "Thiên Di": là dấu hiệu ra đi do "trời định", người mất lúc đó được trời đưa đi. Sự ra đi này nằm ngoài mong muốn của người mất, nhưng cũng là hợp với lẽ trời. "Trùng Tang": là dấu hiệu ra đi không hợp số phận, không dứt khoát, có nhiều ảnh hưởng tới người ở lại. Theo quan niệm xưa, nếu gặp phải Trùng Tang mà không có "Nhập mộ" nào thì cần phải mời người có kinh nghiệm làm lễ "trấn trùng tang". |