Sắm lễ càng tốn kém, hiệu quả hầu đồng sẽ càng cao?
Đích đến của quá trình hầu đồng thật ra là cầu mong được mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoan, đỗ đạt, thành tài, công việc hanh thông thuận lợi. Câu hỏi đặt ra với chúng ta là, liệu có phải, sắm lễ càng tốn kém thì hiệu quả hầu đồng sẽ càng cao?
Sau khi đã tìm hiểu và định vị về khái niệm căn đồng, căn thánh và biết được cách nhận biết người nào có căn hầu đồng hay không ở kỳ trước, kỳ này chuyên gia tư vấn Hoàng Dương Bình sẽ cùng độc giả tìm hiểu về việc sắm lễ hầu đồng và mục đích cụ thể của việc trình đồng, mở phủ. Qua đó, độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về ý nghĩa của việc hầu đồng trong cuộc sống hiện tại:
- Thưa chuyên gia, trình đồng mở phủ hiện nay đã trở thành một trào lưu khá phổ biến. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta trình đồng mở phủ để làm gì?
Trước tiên nên nhận thức đúng đắn rằng, trong khi nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác hướng đến việc cầu mong cuộc sống an nhàn ở hiện tại và cả sự siêu thoát sau khi chết hoặc tìm kiếm sự phù hộ của linh hồn những người đã khuất với gia đình thì tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống hiện tại với nhu cầu thực tế, đời thường chính là: Phúc - lộc - thọ.
Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này có những biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn luôn hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng rất cụ thể về sức khỏe, tài lộc, may mắn.
Bản thân chúng ta đều cần hiểu rằng, khi hầu đồng, cái đích của quá trình này là cầu mong được mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, đỗ đạt, thành tài, công việc được hanh thông thuận lợi, tài lộc... Như vậy, có thể nói là có hiện tượng chạy theo “trào lưu” nhưng với nhiều người không hẳn là do nhiệm vụ tâm linh. Nếu chạy theo trào lưu thì người ta dễ sa vào mê tín dị đoan, thỏa mãn bản ngã vị kỷ, thậm chí xúc phạm các bậc cao cả.
Còn với người làm nhiệm vụ hầu đồng chân chính thì họ góp phần giúp đỡ cộng đồng cùng sống thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đoàn kết phát triển sản xuất, xây dựng lòng tin, tình yêu. Ngoài ra việc kết nối tâm linh ấy tạo ra vầng năng lượng trong lành, tích hợp với năng lượng tốt đẹp từ các dòng tu khác, của cả xã hội tạo nên sự bình an và thái hòa cho đất nước, dân tộc.
Tôi cũng hỏi một thiền sư về những hiện tượng tương tự này thì cũng được biết là việc mở phủ, nếu làm đúng thì thanh đồng và các nghệ nhân dân gian này sẽ góp phần làm cho cộng đồng giải thoát, giác ngộ. Đây chính là một trong những chức năng quan trọng của việc kích thích sự trong sáng trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Cả người nhập đồng lẫn người liên quan đều phải tự quan sát và nhận ra, vừa hầu đồng vừa ngộ xem cái đúng cái sai ở đâu mà điều chỉnh để làm sao cho đúng với điều kiện và hoàn cảnh |
- Tôi được biết lễ căn đồng, giá hầu đồng rất tốn kém. Liệu có phải cứ sắm lễ nhiều và đắt tiền là tốt?
Như đã nói, hầu đồng là để giải quyết các vấn đề cuộc sống, ví dụ xin được làm ăn tấn tới, mong có sức khỏe, thoát khỏi đau yếu… Như vậy, lễ tốn kém thật ra xuất phát từ ham muốn.
Quá trình hầu đồng, trước và sau, tất cả đều sẽ tuân theo nhân quả. Ví dụ người tham sẽ chi rất nhiều tiền vì “nghe thấy thế” và “phải làm thế”, cái “nghe” đó là nghe theo đúng căn quả của người nghe và nếu không tĩnh tâm xử lý cho đúng thì có thể họ lại tạo thêm nhân quả mới (thiện lành hay không tùy vào cách họ thực hiện).
Không khó để nhận ra và thấy rằng, mọi thứ không hài hòa đều đi ngược lại với tự nhiên. Cho nên cả người nhập đồng lẫn người liên quan đều phải tự quan sát và nhận ra, vừa hầu đồng vừa ngộ xem cái đúng cái sai ở đâu mà điều chỉnh để làm sao cho đúng với điều kiện và hoàn cảnh.
Theo tôi hiểu thì thần linh không đòi hỏi nhiều ít mà là dạy. Thông qua các biểu hiện, bậc trên sẽ bảo đảm nhân quả (xấu hay tốt) của người hành lễ phải được thi hành. Người tham gia vào các nghi lễ ấy ngộ ra điều gì mới là quan trọng, là điều bậc trên mong muốn. Còn chạy theo ham muốn thái quá, sử dụng thần thánh như một “công cụ” kiếm chắc thì tất lẽ căn quả nặng thêm. Thế nên không phải cứ sắm lễ nhiều và đắt là tốt.
Người có căn đồng có thể "hầu đồng" ở những hình thức khác, như là một thày pháp giỏi hoặc một chuyên gia khoa học tốt luôn giúp đỡ cộng đồng |
- Nếu từ chối “đặc ân” được trình đồng mở phủ, hoặc không đủ kinh tế để theo hầu đồng, liệu có thể kết thúc quá trình này không thưa chuyên gia?
Tôi biết có những người có căn đồng nhưng xin khất, xin hoãn. Họ là những người bình thường như cán bộ công nhân viên, người buôn bán, hay văn nghệ sĩ. Nếu là con đường phải qua thì trước sau cũng sẽ làm, tuy nhiên họ có thể kết thúc quá trình bằng cách ngộ ra tại sao mình có căn đồng.
Nhiều người nhập định để thiền ngộ vấn đề này nhằm tìm ra “căn”, ra cái gốc rễ ấy. Và như thế họ sẽ vẫn “hầu đồng” nhưng ở hình thức khác hơn, ví dụ họ sẽ là một thầy pháp giỏi, một chuyên gia khoa học tốt luôn giúp đỡ cộng đồng.
Họ cống hiến cho cuộc sống theo những cách mới hơn. Còn chưa ngộ ra, thì kể cả người hầu đồng không đủ kinh tế vẫn có thể chưa kết thúc quá trình. Theo tôi tìm hiểu thì thấy thế.