Nghe chuyên gia lý giải về tác dụng bùa ngải trong tháng cô hồn

Nghe chuyên gia lý giải về tác dụng bùa ngải trong tháng cô hồn

Tháng cô hồn nhiều người đặc biệt là dân kinh doanh đều có tâm lý sợ hãi, e dè và cho rằng, tháng này đen đủi, vận xui đeo bám. Không ít người đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ tâm linh từ bùa ngải. Hãy nghe chuyên gia chia sẻ để được biết, thực hư tác dụng của bùa ngải trong tháng 7 âm.  

Vì sao mọi người lại tìm hiểu về bùa ngải trong tháng cô hồn

Những ngày tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) nhiều tài khoản trên Facebook hiện ra như một khu chợ tâm linh nhộn nhạo kẻ bán, người mua một thứ đồ dùng tâm linh là bùa ngải.

Đánh trúng tâm lý sợ rủi ro đen đủi đeo bám của nhiều người, mặt hàng bùa ngải được dịp “tát nước theo mưa”. Lượng người tìm kiếm đồ dùng này đôi khi còn nhiều hơn cả vật phẩm phong thủy “chính thống” như vòng tay tì hưu, vật phẩm thủy hộ mệnh… Chưa kể, nhiều người làm kinh doanh đôi khi có tâm lý mê tín dị đoan, tìm tòi những món đồ độc và lạ để giúp cho việc làm ăn của mình thêm hiệu quả trong tháng cô hồn nhiều đồn thổi “đáng gờm”.

Không cần phải đi đâu xa, khách hàng chỉ cần click chuột là có thể sở hữu ngay những loại bùa chú từ bình dân như cầu tài lộc, tình duyên cho đến những thứ đắt đỏ và khác lạ kỳ dị, nhưng được miêu tả là “có quyền năng vô cùng đáng sợ”.

Phổ biến nhất trong thế giới bùa ngải là bùa yêu, với mức giá phong phú, không đâu giống nhau. Bùa yêu qua giới thiệu của những tài khoản Facebook này có rất nhiều dạng khác nhau: Dạng giấy, dạng dầu nước, dạng sáp, dạng bột... Tất cả đều được miêu tả là đã phù phép, công dụng cực mạnh khiến đối phương chỉ biết nghe lời, đắm đuối mê muội không thể rời xa.

Đó là chưa kể, khi nhắc đến tên của một loại bùa ngải thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng thời gian gần đây chắc chắn không thể không thiếu Kumanthong - một loại bùa ngải có nguồn gốc từ Thái Lan. “Kumanthong” trong tiếng Thái có nghĩa là “cậu bé vàng”, hay còn được gọi là “quỷ linh nhi”.

Nguyên liệu chủ yếu của Kumanthong bằng đồng hoặc gốm, nay có thêm dạng búp bê. Gần đây, tại Việt Nam, Kumanthong đang dần trở thành một thứ “mốt” tâm linh được nhiều người trẻ săn lùng.

Thực hư tác dụng của bùa ngải trong tháng cô hồn qua lý giải của chuyên gia

Chia sẻ với báo Giáo dục và thời đại, T.S Vũ Thế Khanh Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA có nói: “Tôi cho rằng bùa hay ngải chỉ là một trong những phương tiện để những người rắp tâm muốn hại nhau thì dùng, mà theo họ nghĩ, có thể tránh được những phán xét của pháp luật.

thuc hu tac dung cua bua ngai trong thang co hon
T.S Vũ Thế Khanh Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA

Tuy nhiên, cần phải biết rằng, một khi đã rắp tâm hãm hại người khác, thì sẽ bị Luật Nhân quả chi phối, nghiệp báo sẽ nặng và hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp mà chính người chủ mưu đó sẽ phải tự trải nghiệm. Những người “làm bùa” (nói theo ngôn ngữ dân gian) là những kẻ tòng phạm và vẫn bị liên đới theo Luật Nhân quả. Những người có liên quan nên bình tĩnh, trước hết phải cho tâm mình bình an, và tốt nhất nên tập thiền định để tâm thế cân bằng”.

Về vấn đề tác dụng của bùa ngải, nghệ nhân dân gian Lường Thị Đại, tác giả công trình nghiên cứu “Các hình thức ma thuật, bùa chú của người Thái đen ở Điện Biên” chia sẻ với PV báo Tiền phong như sau: “Không phải pháp sư nào cũng biết làm bùa đúng cách và không phải ai cũng đủ tố chất để luyện ra những lá bùa có tác dụng. Họ phải có chế độ kiêng khem, quy tắc ứng xử, hành xử khá nghiêm ngặt.

Phần lớn những người làm bùa bây giờ, nếu họ sống đời phàm tục, chẳng biết tu luyện gì, đời sống chẳng đạo hạnh, chỉ chăm chăm làm bùa kiếm tiền, thì đích thị những lá bùa của họ làm chẳng có tác dụng gì. Chỉ gây hoang mang và thiệt hại về tiền bạc cho người khác”.

Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, sở dĩ, bùa chú ngày nay không còn linh nghiệm như trước kia là bởi qua các thế hệ, kỹ thuật làm bùa đã mai một đi nhiều. TS Ngọc Mai (Viện nghiên cứu Tôn giáo) chia sẻ với báo Tiền phong cho biết: “Trước đây, bùa ngải chỉ do các mo làng, các thầy bùa dân tộc làm rất công phu nhưng nay lớp trẻ kế cận vì nhận thức thay đổi và cũng thoát ly nhiều nên không còn lưu giữ được phương pháp làm bùa đúng cách”.

thuc hu tac dung cua bua ngai trong thang co hon
TS Ngọc Mai - Viện nghiên cứu Tôn giáo

Với cái nghề đặc biệt này, các pháp sư giỏi thường hay giấu nghề, nên đệ tử chủ yếu ngồi xem và tự học mót. Thế nên, nhiều câu niệm chú hay những ký tự để vẽ trong lá bùa đã dần bị “tam sao thất bản” do… mỗi đệ tử lĩnh hội một kiểu.

Ngay cả khi luyện ngải, các thầy bùa, pháp sư truyền tai nhau phải nuôi ngải bằng máu gà và máu của mình, rồi tắm cho ngải, cho ngải ăn vào giờ nhất định, đọc thần chú cho ngải nghe... Tuy nhiên, khi được yêu cầu giải thích thì các thầy cũng không trả lời được, chỉ ậm ừ “làm thế nó mới linh”.

Trao đổi với PV báo Lao Động về tác dụng của bùa ngải trong tháng cô hồn, TS Vật lý Vũ Văn Bằng - người đưa ra những lý giải khoa học xung quanh “ngôi nhà ma” 300 Kim Mã (Hà Nội) - bác bỏ hoàn toàn những câu chuyện về bùa chú, đặc biệt là trào lưu nuôi Kumanthong hiện tại.

thuc hu tac dung cua bua ngai trong thang co hon
TS Vật lý Vũ Văn Bằng - người đưa ra những lý giải khoa học xung quanh “ngôi nhà ma” 300 phố Kim Mã Hà Nội

Theo TS Bằng, những người sử dụng bùa ngải mà cảm thấy may mắn, chẳng qua là do hiệu ứng tâm lý đám đông hoặc chứng tự kỷ ám thị. Đồng thời, ông cũng phản bác về việc các pháp sư yểm bùa, đưa linh hồn vào những hình hài mới trong câu chuyện về Kumanthong.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) trao đổi với PV báo Lao động cho rằng, hiện nay, phong trào phục hồi di sản đang được chú trọng nhưng đồng thời cũng làm sống dậy tín ngưỡng xa xưa, mà bùa ngải hay cúng bái là một trong những tín ngưỡng đó. Hiện tượng này, theo ông Hiền, là mặt trái của việc phục hồi di sản, bởi vậy, các thầy bà địa lý, cầu hồn, gọi vong... càng có lý do để tung tác.

“Ngày này, đến tín ngưỡng cũng dựa vào công nghệ thông tin để phát triển như chữa bệnh từ xa, bắt ma, trừ tà từ xa… Nhưng nếu nhìn nhận tỉnh táo, có thể thấy đó là sự náo loạn về tín ngưỡng. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để ngăn chặn, khắc chế tình trạng này” - ông Hiền nêu quan điểm.