Làm gì để phát huy ý nghĩa của ngày Vu Lan?
Trong kinh Hạnh Phúc, Phật trả lời chư Thiên rằng “Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”.
Đó là tâm nguyện gửi gắm trong câu hỏi đặt ra từ cuộc Tọa đàm khoa học về Vu Lan báo hiếu của đạo Phật đối với xã hội Việt Nam hiện nay, sự kiện diễn ra tại không khí trang nghiêm của nhà Tổ chùa Tảo Sách, sáng ngày 23/7/2014.
Ý nghĩa của buổi hội thảo do sự phối hợp tổ chức của Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN và Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo là những tư tưởng, và giải pháp để xã hội cùng chung tay gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp đã có từ lâu đời, trong bối cảnh xã hội ngày nay.
Bởi không riêng Việt Nam mới có ngày Vu Lan để tri ân báo hiếu cha mẹ, mà trên thế giới, các nước châu Âu, châu Mỹ cúng có ngày của Cha (15/6), ngày của Mẹ (Chủ Nhật thứ hai của tháng 5). Hiện nay, xã hội Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhưng may mắn rằng, đa phần những bữa cơm gia đình Việt Nam vẫn đầy đủ thành viên quây quần, còn rất nhiều gia đình tam đại, tứ đại đồng đường trở lên vẫn sống đầm ấm trong đất nước này.
Gia đình là nơi sự sống bắt đầu và là nơi tình yêu không bao giờ kết thúc. Và cũng có thể nói theo cách khác, gia đình thân nhân chỉ là duyên phận một đời. Bất luận trong kiếp này chúng ta sống chung với nhau được bao lâu và như thế nào, mỗi người nên trân trọng khoảng thời gian sum họp, gia đình đoàn tụ. Vì kiếp sau, dù ta có thương hay không, cũng khó sẽ còn gặp lại nhau. Bởi vậy, trong kinh Hạnh Phúc, Phật trả lời chư Thiên rằng “Phụng dưỡng cha và mẹ là vận may tối thượng”.
Chỉ cần hình dung ra thôi, rằng một ngày nào đó, cha mẹ ta theo tiếng gọi vô thường mà rời xa mãi mãi, con người chìm trong cô đơn, hụt hẫng, nuối tiếc vô cùng, rằng vì sao lúc trước mình đã chưa làm bố mẹ vui hơn nữa, khỏe hơn nữa; có lẽ thường khi bố mẹ không còn nữa, con cháu cảm thấy sự báo hiếu của mình không còn trọn vẹn nữa, vì đã bao giờ là đủ để đáp lại những ân tình cha mẹ vượt ra khỏi giới hạn đong đếm của đời người?
Vậy nên chăng, đừng đợi đến khi bạn phải chít vành khăn tang trên đầu để khóc thương cha mẹ. Mà hãy mang “vòng khăn tang vô hình”, để tự nhắc nhở mình nên trân trọng từng phút giây hiện tại đang được chăm sóc bố mẹ và gia đình, khi bố mẹ vẫn còn đang sống với mình.
Bởi cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế, đức Phật không dám nhận sự cúng dàng kính trọng từ đệ tử, nếu đệ tử đó không cung kính cúng dàng cha mẹ họ trước tiên. Vì nếu không có cha mẹ cho ta được ra đời làm người, làm sao ta gặp được Phật?
“Tạ ơn cha đã cho con thấy
Núi rất cao và biển rất tuyệt vời
Tạ ơn mẹ đã cho con hơi thở
Và trái tim nhân ái để làm người”
Theo lời Phật dạy, phúc duyên được sinh làm người giữa lục đạo luân trầm đã là hiếm hoi quý giá như thanh gỗ mục giữa biển cho con rùa gặp được, vậy nên sao con người còn tiếp tục chạy theo danh lợi, tiền tài để bỏ mặc mẹ già lang thang phải nương tựa sống tạm trong cửa chùa? Không có cha mẹ nuôi dưỡng, làm sao ta có thể lớn lên và được chinh phục những khao khát, vì thế nên trong Tương Ưng Kinh, Phật dạy “Này các Tỳ kheo, sữa mẹ mà các Thầy đã được thọ nhận trong suốt quá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”.
Như ý kiến của Nghiên cứu sinh Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ đã nêu lên tại Hội thảo, cho biết thực trạng của cách tổ chức Đại lễ Vu Lan của phần lớn các chùa miền Bắc đã tốn kém quá nhiều cho việc cúng cô hồn, cúng cầu siêu; trong khi Phật giáo với phương châm dành 80% thời gian công sức để hóa độ cho người còn sống, còn lại 20% thời gian để hóa độ cho vong linh người đã khuất.
Người đời cho rằng, trong đám tang cha mẹ, mình cứ khóc thật nhiều, đốt thật nhiều vàng mã, cúng cho hương hồn cha mẹ nhiều thịt thà thơm ngon là hiếu thảo. Đó là một sai lầm đáng tiếc, một sự báo hiếu muộn màng.
Trong khi tại Tp.HCM, con số người già neo đơn bị con cái gửi vào chùa đã tăng nhanh từ 68, lên đến 96 cụ, trong đó có 40 cụ vẫn còn con cái khá giả gửi tiền cho chùa. Đến năm 2014, con số người già neo đơn trong chùa đã lên đến 116 cụ, trong đó 60 cụ vẫn còn con khá giả gửi tiền vào chùa mà không đoái hoài thăm hỏi mẹ lần nào.
Mẹ cha của những người con như thế chắc chắn không giống bà Thanh Đề, vì từ xưa đến nay, bậc cha mẹ nào chẳng hết lòng chăm con từ tấm bé đến khi lớn, còn những người con gửi cha mẹ vào chùa mà không thăm nom? Là một câu hỏi lớn.!
Ông Bùi Hữu Dược kể có lần ông đến thăm một ngôi chùa cùng với một anh bạn là Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ BTG Chính phủ, được biết một người mẹ qua đời trong chùa mà không có con cái đến thọ tang hương khói. Thật chua chát thay, khi thầy trụ trì nói rằng : “Bà cụ này có phước vô cùng, vì đây là lần đầu tiên cụ được hương khói bởi 2 người đến từ Hà Nội và đều là Vụ trưởng”
Trong phòng, quan tài người chết nằm cạnh giường ngủ của người sống, vì ở đó không còn chỗ rộng để chăm sóc người già neo đơn. Sự thật đau lòng ấy cũng là hình ảnh để Đại lễ Vu Lan năm nay cần lên tiếng để cảnh tỉnh lương tâm của con cái thời nay.
Nếu ai mộ Phật, hãy nghe theo lời Phật dạy, biết tận dụng thời gian để chăm sóc Mẹ khi mẹ còn đang sống với mình, với cả những phương tiện giúp mẹ được hướng về đời sống tinh thần tích cực khi tham gia sinh hoạt các đạo tràng phật tử trong chùa.
Vì Phật thị hiện giữa đời để cứu khổ cho nhân sinh, để họ được sống cuộc đời hạnh phúc ngay khi còn sống, vậy nên Phật giáo ra đời để độ cho những người còn sống là chủ yếu, nhu cầu phục vụ tâm linh chỉ để tỏ lòng tri ân những anh hùng hi sinh vì Tổ quốc.
Thượng tọa Thích Thanh Huân đại diện cho Chư tôn đức tại Hội thảo, bày tỏ ý kiến đồng tình với quan điểm của Vụ trưởng Vụ Phật giáo, đó cũng là tâm nguyện của phần lớn Chư tăng, ni phật tử cả nước đang trợ duyên cho Đại lễ Vu Lan, không chỉ là mùa tri ân của cộng đồng Phật giáo nói riêng, mà sẽ trở thành hơi thở tri ân báo ân xuyên suốt mạch tồn tại phát triển của dân tộc và kiều bào trên thế giới.
Điều này thể hiện qua việc, những giáo thọ sư dù hiện nay đang trong mùa an cư kiết hạ, nhưng vẫn dành thời gian về với các phật tử trong những khóa tu và giảng Pháp, qua những bài giảng về chữ Hiếu và những câu chuyện cảm động lòng người về ân tình cha mẹ, không những được giảng trực tiếp mà còn lưu lại trên trang mạng xã hội của các Thầy, hy vọng tâm tư của phật tử sẽ thay đổi tích cực từng ngày.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, dân chúng cúng nhà chùa những khoản tiền lớn để đầu tư vàng mã và vật chất cho những khóa cúng cô hồn, cầu siêu, nhà chùa lại dùng số tiền đó dể tổ chức những chuyến viếng thăm, tặng quà, chăm sóc người già neo đơn tại các trung tâm dưỡng lão, những gia đình khó khăn có mẹ già chăm con bệnh tật..v..v...
Thêm vào đó, tinh thần phục vụ vô ngã của phật tử sẵn sàng nhặt rác trong sân chùa, trên đường đi, và trồng cây xanh trong chùa và trên đồi núi, để góp phần làm màu xanh lan rộng hơn trên vỏ địa cầu. Con người nói chung cần bảo vệ trái đất như bảo vệ mẹ mình, vì trái đất này chính là người Mẹ nuôi dưỡng hơn 8 tỷ người bằng hệ thống động thực vật phong phú, nguồn tài nguyên dồi dào, và khí quyển.
Đó là những nỗ lực để những người con Phật kiến thiết mùa Vu Lan thành dịp lành đền đáp Tứ trọng ân một cách thiết thực nhất.