Chuyện tâm linh ly kỳ ở Tổ miếu Hùng Vương
Từ xa xưa, Tổ miếu Hùng Vương thuộc làng An Thái, xã Phượng Lâu (Việt Trì - Phú Thọ) đã là nơi linh thiêng với những câu chuyện nửa hư nửa thực.
“Tổ miếu Hùng Vương là nơi thờ bài vị các Vua Hùng, đây cũng là chốn linh thiêng bậc nhất nước Nam. Nhiều câu chuyện có thực đã xảy ra khiến nhiều người khiếp sợ. Cũng nhờ thế, mà miếu Tổ giữ được đến giờ mà không mất mát, suy suyển một vật báu giá trị nào”, lời giới thiệu của ông Thủ miếu Nguyễn Văn Thiện về miếu Tổ.
Ngay cả người bản địa cũng không dám lại gần vì sợ mạo phạm, vì thế nhiều người cả đời không biết hình dáng ngôi miếu ra sao, to nhỏ thế nào.
Ngôi miếu cổ nhất Việt Nam
Ông Thiện khẳng định: “Miếu Tổ Hùng Vương là ngôi miếu cổ nhất Việt Nam. Đó là nơi thờ bài vị của các Vua Hùng, còn đền thờ Vua Hùng bây giờ là nơi thờ vong. Ngôi miếu còn giữ được những cổ vật chứng minh điều đó”. Sau khi lễ bái, chúng tôi được ông Thiện dẫn lên miếu cổ. Ngôi miếu nằm trên đỉnh núi Cấm, nơi mà trước đây Vua Hùng và các lạc hầu, lạc tướng bàn chuyện quan trọng. Ngôi miếu nằm giữa một rừng cây rậm rạp, cách xa khu dân cư. Ông Thiện cho hay, ngôi miếu cổ mới được trùng tu một lần phía bên ngoài. Còn bên trong thì không ai dám động chạm vì sợ mạo phạm. Những cột gỗ và hoa văn trong miếu đều giữ được từ thuở xưa. Quanh năm suốt tháng không một ai dám đến gần miếu vì đã có những cái chết kỳ lạ xảy ra.
Ông Thiện bảo: “Trong miếu thờ bài vị của 3 ngài là Áp Đạo Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương và Ất Sơn Đại Vương. Vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm chúng tôi tổ chức mổ 5 con lợn đen tuyền để dâng lễ. Đàn bà và phụ nữ có thai không được phép đến. Trai tân gái trinh muốn đến phải tắm rửa sạch sẽ, ăn chay trong vòng 10 ngày”.
Ông Bùi Thế Tài – Trưởng làng An Thái cho hay: “Miếu Tổ được dựng tại một nơi đắc địa hợp long mạch, phía dưới là hồ Thiếc, bên cạnh đó là hố Đụn – nơi mà xưa kia Vua Hùng dùng để luyện và đong đếm quân”. Phía sau miếu là “Đàn tế trời”, tục truyền đó là nơi Hùng Vương dâng hương cảm tạ trời đất vào mỗi dịp lễ tết hay trước và sau mỗi cuộc hành quân đánh quân xâm lược.
Đôi rắn thiêng hồ Thiếc
Chuyện đôi rắn mào canh miếu Tổ đã có từ nhiều đời nay ở đất Phượng Lâu này. Cụ Nguyễn Thị Nhẫn, 93 tuổi ở làng An Thái cho hay: “Từ khi tôi về làm dâu làng An Thái đã được nghe và cũng vài lần thấy đôi rắn mào to như cổ chân người canh giữ miếu Tổ. Nhiều người cho đó là chuyện mê tín nhưng ở đây ai cũng coi đôi rắn ấy là biểu tượng tâm linh”. Ông Thủ miếu Nguyễn Văn Thiện còn cho biết: “Đôi rắn ấy rất lạ. Cứ đến ngày mùng 1 và 15 hàng tháng mới bơi từ hồ Thiếc lên cuộn tròn bên ban thờ để nghe khấn”.
Đấy là chuyện có thật trước kia, còn bây giờ thì đôi rắn mào ấy không còn xuất hiện nữa. Lý do mà ông Thiện đưa ra là, có đận người làng chỉ thấy một con rắn đến, còn con kia không biết đã bỏ đi hay đã chết. Được một thời gian, con rắn mào còn lại cũng không thấy xuất hiện nữa.
Chuyện đôi rắn mào canh miếu được nhiều cao niên xác nhận vì trước đây, ở Phượng Lâu có tục cầu đinh. Cứ mười rằm hàng tháng là gia đình hiếm muộn đến dâng lễ và nhiều người nhìn thấy đôi rắn bò từ hồ Thiếc lên. Lạ lùng ở chỗ, đôi rắn mào không bao giờ hại ai. “Thần rắn” chỉ cuộn tròn lắc lư cái đầu nghe người dân cầu khấn và phủ phục bên ban thờ.
Những chuyện truyền kỳ
Chuyện lạ lùng mới xảy ra ở miếu Tổ mà chúng tôi được nghe kể từ 3 chị em không chồng tên là Xuân, Xanh, Gấm. Chị Gấm kể: “Hôm đó 3 chị em tôi đi kiếm củi ở gần khu miếu cổ mới nghe tiếng gió thổi ào ào. Chúng tôi nhìn lên thì thấy một con rắn gió dài hàng chục mét và to như cây chuối đang quăng mình đi trên ngọn cây. Từ đó đến nay, 3 chị em không dám đến khu vực ấy nữa”.
Ở xã Phượng Lâu còn có người “bán” con cho miếu Tổ, hàng năm gia đình ấy đều lên miếu tạ lễ. Nhưng năm vừa rồi, do đứa con khôn lớn và đi làm ăn xa nên gia đình không tạ lễ nữa. Chẳng ngờ, đứa con ấy bị điên dại, gia đình đưa đến bệnh viện thì bác sĩ bảo không có bệnh. Nhưng cứ ra khỏi cổng bệnh viện thì bệnh tái phát. Gia đình mới sắm lễ vật lên miếu Tổ tạ tội, đứa con ấy bỗng dưng khỏi bệnh mà không cần chữa trị.
Những chuyện ly kỳ được truyền miệng trong dân gian, dù không có căn cứ khoa học nào chứng minh là có thật, nhưng phần nào nhờ vậy mà ngôi miếu linh thiêng được giữ gìn nguyên vẹn đến tận ngày hôm nay, trở thành nơi con cháu các Vua Hùng đến dâng hương mỗi dịp lễ tết như một cách để khẳng định và nhớ về nguồn cội của mình.
Theo ANTĐ