Các Lễ hội tháng Giêng không nên bỏ qua ở miền bắc

Các Lễ hội tháng Giêng không nên bỏ qua ở miền bắc

Những lễ hội quanh Hà Nội với sự giao thoa của văn hóa Thăng Long- Kinh Bắc- Xứ Đoài vẫn còn vẹn nguyên giá trị giữa những xô bồ của xã hội hiện đại.

Hội gò Đống Đa - Mồng 5 Âm lịch

Hội gò Đống Đa diễn ra tại gò Đống Đa, phường Quang Trung (quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Lễ hội tưởng nhớ chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa của vua Quang Trung trước quân xâm lược nhà Thanh. Sử sách có ghi chép 29 vạn đại quân Thanh đã thất bại khi xâm lược Việt Nam được đánh dấu tại gò Đống Đa.

 

 

Bởi vậy, lễ hội có nhiều tục trò liên quan tới việc bày binh bố trận với trống chiêng cờ xí. Môn cờ người thể hiện mưu trí binh pháp cũng được tổ chức thường xuyên ở lễ hội. Đồng thời, những trò chơi dân gian đề cao tinh thần thượng võ cũng là điểm riêng có của hội gò Đống Đa.

 

Lễ hội chùa Hương- Mồng 6 Âm lịch

Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ mồng 6 đến hết tháng 3 Âm lịch kéo dài 3 tháng. Lễ hội đặc biệt đông trong những ngày đầu năm. Lễ thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về "thiền". Nhưng ở chùa ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Võng là "chân long linh từ" thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên là "tì nữ tuý Hồng" của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần.

 

Nét thanh tịnh của miền đất Phật đã tạo cho con người, cảnh vật hòa lẫn vào không gian khi vào hội, Đường vào chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền, cộng thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Con người được hòa nhập vào núi vãn cảnh chùa chiền và bắt đầu hành trình mới - hành trình leo núi. Leo núi chơi hang, chơi động. Cuộc leo núi tạo ra trong con người tâm lý kỳ vọng, muốn vươn lên đến cái đẹp. Và sự kỳ vọng cái đẹp hẳn sẽ làm cho con người thêm phần sảng khoái tin yêu cuộc đời này hơn.

Chùa Hương ngự ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Ngoài sự linh thiêng, chùa Hương còn có phong cảnh rất đẹp. Du khách có thể chọn những khi bớt cao điểm (từ Rằm Âm Lịch tới tháng 3) đến chùa để vừa vãn cảnh non nước, vừa gửi những lời cầu ước mùa Xuân.

 

Lễ hội đền Sóc (Hội Gióng) - Mồng 6 Âm lịch

Lễ hội đền Sóc tổ chức tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Theo truyền thuyết, đây là nơi Thánh Gióng bay về trời.

Hội Gióng là một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Cũng bởi vậy, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời.

 

 

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững.

Hội Gióng là một lễ hội văn hóa cổ truyền mô phỏng rõ một cách sinh động và khoa học diễn biến các trận đấu của thánh Gióng và nhân dân Văn Lang với giặc Ân. Thông qua đó có thể nâng cao "nhận thức cộng đồng về các hình thức chiến tranh bộ lạc thời cổ xưa và liên tưởng tới bản chất tất thắng của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc". Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, hội Gióng ở Sóc Sơn (nơi thánh Gióng bay về trời) và hội Gióng ở xã Phù Đổng (nơi sinh ra thánh Gióng) có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác, từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Những nghi thức được quan tâm, "chứa đựng trong nó sự huyền bí và sức sống của một huyền thoại gắn liền với lòng tự chủ dân tộc của người Việt Nam".

 

Lễ hội chợ Viềng - Nam Định

Chợ diễn ra vào nửa đêm, nhưng từ chiều mùng 7 tháng giêng hàng năm, du khách các nơi lại nườm nượp đổ về hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định), đồng thời trẩy hội Phủ Giày, một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong "tứ bất tử" ở Việt Nam. Đây là phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may (bán rủi cầu may).

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người nội tỉnh sau đến khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra. Khác các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình đổ về đông nườm nượp. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về.

Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép…du khách còn có thể tìm thấy ở đay những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.

 

Lễ hội Yên Tử- Mồng 10 Âm lịch

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch.

Non thiêng Yên Tử là nơi vua hóa Phật khi vua Trần Nhân Tông về đây tu luyện và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vậy, lễ hội Yên Tử vẫn được coi là nguyên khí Việt. Núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều, cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, Yên Tử có nhiều tên gọi: Tượng Sơn (Núi Voi), Bạch Vân(Núi Mây Trắng), Phù Vân Sơn (Núi Mây Nổi), Linh Sơn (Núi Thiêng) và được biết đến là một trong bốn "Phúc địa linh thiêng" của Giao Châu.

 

 

Lễ hội Yên Tử đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử ở trong và ngoài nước cùng các Quý đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về dự, thắp nén Tâm hương dâng lên lễ Phật, tri ân công Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, các Tổ Thiền Trúc Lâm, các bậc tiền bối hiền nhân suốt đời phụng đạo, vì nước, vì dân và vãng cảnh Non thiêng, sơn thủy hữu tình. Hội xuân Yên Tử diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh, thu hút du khách trong và ngoài nước đến thường xuyên quanh năm.

Yên Tử là nơi vua Trân Nhân Tông hóa Phật, nơi khai sinh Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật Việt Nam, một dòng Thiền có một không hai trên thế gian này. Trong Ngài thể hiện rất rõ, quyện vào nhau ba yếu tố con người hiện thực, hướng thượng và nhập thế để sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đạo Phật của Việt Nam.

 

Lễ hội đền Trần - Ngày 13 - 15/1 Âm Lịch

Lễ hội đền Trần diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nổi tiếng với tục khai ấn đền Trần. Nhiều người tin rằng, tấm ấn đền Trần trong ngày hội Xuân sẽ giúp chủ sở hữu có một năm thuận buồm xuôi gió trong công việc.

 

 

Đền Trần (陳廟 - Trần Miếu) là một đền thờ tại đường Trần Thừa phường Lộc Vượng thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua nhà Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15.

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (正南門 - cổng chính phía nam) và Trần Miếu (陳廟 - Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.

Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia "Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí", thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.

Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

 

Hội Lim- Ngày 13 Âm Lịch

Hội Lim diễn ra trên địa bàn huyện Tiên Du (Bắc Ninh) - cách trung tâm Hà Nội chừng hơn 20 km. Hội Lim nổi tiếng với các màn diễn xướng quan họ.Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu truyện cổ, những sự tích văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian. Lễ hội được nhiều người quan tâm nhất là Hội Lim tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh.

Hội Lim đi vào lịch sử và tồn tại và phát triển cho đến ngày nay được hàng tổng chuẩn bị tập rượt rất chu đáo từ ngày 9 và 10, rồi được diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 14 tháng giêng. Chính hội là ngày 13, với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy. Trong các nhà thờ họ Nguyễn, họ Đỗ ở làng Đình Cả, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.

Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà nghĩa tình. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Tối ngày 12 sẽ là đêm hội hát thi quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ có được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Đây là phần hội hay nhất của cả lễ hội Hội Lim.